Thứ Ba, 16 tháng 5, 2017

Nợ xấu ngân hàng thực tế lớn hơn con số báo cáo


Số liệu thống kê cho thấy, việc xử lý nợ xấu ngân hàng đã có những chuyển biến tích cực, đặc biệt là sự chủ động của các ngân hàng thương mại trong vấn đề này.



Đến cuối năm 2016, tỷ lệ nợ xấu của các tổ chức tín dụng đạt 2,46%



Tuy nhiên, việc xử lý nợ xấu một cách triệt để vẫn còn khá “nan giải” khi có ý kiến nghi ngại về khả năng nợ xấu trên thực tế có thể còn lớn hơn con số qua báo cáo.

Nhiều ngân hàng tích cực xử lý nợ xấu

Theo số liệu báo cáo của Ngân hàng Nhà nước (NHNN), đến cuối năm 2016, tỷ lệ nợ xấu của các tổ chức tín dụng đạt 2,46%. Hầu hết các ngân hàng niêm yết (ngoại trừ STB) đã đưa tỷ lệ nợ xấu cuối năm 2016 về mức mục tiêu dưới 3%. Một báo cáo của Công ty Chứng khoán Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BSC) cho hay, số liệu nợ xấu theo báo cáo của các ngân hàng và con số thanh tra giám sát của NHNN đã trùng nhau, sau khi các ngân hàng tham chiếu số liệu nợ xấu với Trung tâm Thông tin Tín dụng Quốc gia Việt Nam (CIC) và thực hiện phân loại nợ xấu theo Thông tư 02/2013/TT-NHNN và Thông tư 09/2014/TT-NHNN. Số liệu nợ xấu thực tế của cơ quan thanh tra giám sát NHNN đã giảm từ mức 4,83% vào cuối năm 2014 về mức 2,46% vào cuối tháng 12/2016.

Có một điểm đáng lưu ý là phần lớn nợ xấu được xử lý bằng chính nguồn lực của các ngân hàng. Theo BSC, tính từ năm 2012 đến tháng 8/2016, tổng nợ xấu do các tổ chức tín dụng tự xử lý là 328 nghìn tỷ đồng, trong đó, sử dụng nguồn dự phòng rủi ro để xử lý rủi ro chiếm 43% tổng nợ tự xử lý và thu nợ từ khách hàng chiếm 33%.

Còn theo Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia, năm 2016, các tổ chức tín dụng đã xử lý được khoảng 95 nghìn tỷ đồng nợ xấu. Trong đó, xử lý qua thu hồi nợ, bán tài sản đảm bảo chiếm khoảng 52,6% tổng giá trị nợ xấu được xử lý, qua nguồn dự phòng chiếm 26,6% và bán nợ cho Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC) chiếm 21%.

Thống kê từ BSC cho thấy, kết quả xử lý nợ xấu của nhiều ngân hàng chuyển biến tích cực. Một số ngân hàng trích lập dự phòng nhanh hơn dự kiến, bao gồm: VCB hoàn tất trích lập nợ xấu bán cho VAMC; ACB dự kiến hoàn tất xử lý nợ xấu nhóm G6 trong năm 2017; CTG dự kiến đẩy nhanh tiến độ xử lý nợ xấu trong năm 2017.

Báo cáo của BSC còn cho biết thêm, chi phí dự phòng rủi ro nợ xấu tăng 12% theo năm, lên tới 27 nghìn tỷ đồng, chiếm 46% tổng thu nhập trước dự phòng. Một số ngân hàng (viết tắt theo mã chứng khoán) có tốc độ tăng chi phí dự phòng nhanh là NVB (+162% theo năm), BID (+63% theo năm), SHB (+57% theo năm), ACB (+38% theo năm),… Tỷ lệ dự phòng rủi ro nợ xấu/tổng nợ xấu của nhiều ngân hàng tiếp tục tăng và ở mức cao như ACB (126%), VCB (119%), MBB (103%) và CTG (102%). “Chi phí dự phòng rủi ro tín dụng của VCB, MBB được dự kiến giảm mạnh từ năm 2017 và của ACB, CTG giảm mạnh từ năm 2018”, báo cáo đánh giá.

Nợ xấu đã giảm, thực hay không?

Báo cáo của BSC lưu ý rằng, nợ xấu và tỷ lệ nợ xấu chưa thể hiện đầy đủ chất lượng nợ của các ngân hàng. Nợ xấu thực tế nằm trong các ngân hàng có thể cao hơn con số này. Công ty này cũng đã đưa ra một vài số liệu liên quan đến nhận định trên. Theo đó, tổng lãi, phí phải thu của các ngân hàng thương mại niêm yết lên đến 79 nghìn tỷ đồng, tương đương 2,97% tổng dư nợ cho vay của 10 ngân hàng (VCB, CTG, BID, MBB, ACB, STB, SHB, EIB, NVB, VIB). Một số ngân hàng có tỷ lệ lãi, phí phải thu/ tổng cho vay cao là STB (13,27%), NVB (12,23%). Đồng thời, tổng giá trị nợ xấu, trái phiếu VAMC và tài sản có khác (gọi chung là tài sản nghi ngờ) của nhiều ngân hàng vượt cả vốn chủ sở hữu (VCSH) như: NVB (540% VCSH), STB (396% VCSH), SHB (396%), BID (111%) và EIB (98%).

Tuy nhiên, BSC cũng cho rằng, với sự ra đời của Thông tư 02 và Thông tư 09, chênh lệch giữa con số nợ xấu theo báo cáo của cơ quan giám sát NHNN và báo cáo của các ngân hàng thương mại đã được xóa bỏ. Các ngân hàng cũng đã đẩy mạnh quản trị rủi ro tín dụng, siết chặt cho vay, đẩy mạnh thu hồi, xử lý nợ xấu sau bài học về tăng trưởng nóng. Bên cạnh đó, nền kinh tế tăng trưởng tốt tạo ra nguồn thu nhập tốt để trả nợ cho các khách hàng. Do vậy, “tình trạng nợ xấu thực tế của các ngân hàng đã giảm và minh bạch hơn nhiều” – báo cáo của BSC khẳng định.

Theo thoibaotaichinhvietnam

0 nhận xét:

Đăng nhận xét