Thứ Sáu, 12 tháng 5, 2017

Giá thịt lợn giảm khiến nợ xấu tăng cao


Theo đại diện Ngân hàng Nhà nước, do giá bán lợn giảm thấp, người dân và doanh nghiệp không tiêu thụ được, chậm trả nợ, nợ xấu đã xuất hiện và tăng lên 352 tỉ đồng, chiếm 1,2% dư nợ cho vay ngành chăn nuôi lợn.


Theo Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú, dư nợ toàn ngành cho chăn nuôi lợn là gần 30.000 tỉ đồng, số chính sách là 29.344 tỉ đồng, cho vay ngắn hạn 12.665 tỉ đồng, chiếm 43%, cho vay dài hạn là 16.679, chiếm 57%, với số lượng bà con hộ nông dân và doanh nghiệp kinh doanh chăn nuôi lợn là 506.058 khách hàng đang còn vay nợ ngân hàng. Trong đó, dư nợ chủ yếu là của cá nhân, hộ gia đình, khoảng 25.800 tỉ đồng, chiếm tỉ trọng gần 90% tổng dư nợ, 10% còn lại dành cho DN, HTX, mô hình liên kết.

"Như vậy, có thể nói vấn đề nuôi lợn với khối lượng dư nợ như vậy trong tổng dư nợ nói chung hoặc tính trong cơ cấu sản phẩm nông nghiệp nói riêng cũng là con số rất lớn. Do vừa qua giá bán giảm thấp, một số bà con và DN không tiêu thụ được, chậm trả nợ, nợ xấu đã xuất hiện và tăng lên 352 tỉ đồng, chiếm 1,2% dư nợ cho vay ngành chăn nuôi lợn. Hộ nông dân và cá nhân chiếm tỉ trọng lớn là 311 tỉ đồng", lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước cho biết.

Theo ông Tú, ngay từ khi có câu chuyện các doanh nghiệp và đặc biệt là hộ nông dân nuôi lợn không bảo đảm được thời hạn trả nợ thì Ngân hàng Nhà nước đã cử các đoàn đi khảo sát ngay, tập trung ở một số tỉnh có số chăn nuôi lớn như Đồng Nai. Cho đến nay, số đã xử lý ngay cho những hộ gia đình và DN để thực hiện tái cơ cấu lại khoản nợ, tức là giãn nợ ra cho bà con, đạt là 364,7 tỉ đồng.

Ông Tú cho biết, sau khi có chỉ đạo của Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước đã có văn bản chỉ đạo ngay các ngân hàng thương mại. Đối với doanh nghiệp, bà con nông dân, do điều kiện giá thịt lợn đang giảm, tiêu thụ khó khăn thì tạm hoãn, giãn thời hạn trả nợ, không chuyển nợ nhóm tức là giữ nguyên nhóm 1, với mức thời hạn thích hợp cho việc tiêu thụ sản phẩm.
Thứ hai, về vấn đề hỗ trợ lãi suất, việc này cũng căn cứ vào khả năng tài chính của các ngân hàng thương mại. NHNN chỉ đạo các ngân hàng thương mại quan tâm và đặc biệt xem xét từng trường hợp cụ thể để có biện pháp miễn, giảm lãi vay, kể cả lãi suất nợ quá hạn để bảo đảm làm sao hỗ trợ cho bà con một cách phù hợp với tình hình khó khăn hiện nay.

Đặc biệt, tránh trường hợp hiện nay đang rất thừa, nhưng nếu không có biện pháp tiếp tục chăn nuôi thì đến một lúc lại thiếu nên đối với những DN, bà con vẫn tiếp tục có nhu cầu chăn nuôi lợn, NHNN có chủ trương yêu cầu các ngân hàng thương mại tiếp tục cho vay thêm, nhưng tất nhiên phải bảo đảm có lãi chứ không phải càng nuôi lại càng lỗ.

Theo báo Lao động

0 nhận xét:

Đăng nhận xét